Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tăng cường công tác trao đổi sinh viên quốc tế: Chú trọng thực chất, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, xu thế

Sáng ngày 24/9/2024, tại Trường Đại học (ĐH) Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã diễn ra Hội nghị tăng cường công tác trao đổi sinh viên (SV) quốc tế với sự đồng chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN; PGS.TS. Lê Thành Bắc-Phó Giám đốc ĐHĐN và PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng VKU.

Cùng tham dự có Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng (phụ trách công tác trao đổi SV quốc tế) của các trường ĐH thành viên; đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo trực thuộc, Văn phòng và các ban hữu quan của ĐHĐN (Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Khoa học và Hợp tác quốc tế, Kế hoạch-Tài chính, Công tác Học sinh sinh viên) và Trung tâm Nhật Bản. 


Chủ trì Hội nghị tăng cường công tác trao đổi SV quốc tế 

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN gợi mở, công tác trao đổi SV quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn là hoạt động có tính hai chiều: (1) Thu hút SV quốc tế đến học tập/thực tập, trải nghiệm; (2) Tạo điều kiện, đưa SV của ĐHĐN ra nước ngoài để học tập/thực tập, trao đổi, qua đó gắn kết đào tạo với thị trường giáo dục khu vực và quốc tế, nâng cao uy tín của ĐHĐN cũng như các trường, đơn vị thành viên.

Đại diện lãnh đạo Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế ĐHĐN báo cáo 

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này trong bối cảnh hiện nay, do đó với sự tham dự của đông đủ lãnh đạo ĐHĐN và các trường, đơn vị, lãnh đạo ĐHĐN hy vọng, mong muốn sẽ có thêm các giải pháp, ý kiến tâm huyết, hiến kế để đẩy mạnh hoạt động này.

Theo Báo cáo của ĐHĐN, thời gian qua, công tác trao đổi SV quốc tế đạt được những kết quả bước đầu, đóng góp vào tiến trình hội nhập, quốc tế hóa giáo dục ĐH. Số lượng, cơ cấu SV quốc tế đến học tập, trao đổi tại ĐHĐN ngày càng đa dạng về hình thức với các nguồn học bổng (theo diện Hiệp định Chính phủ; học bổng thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Kontum, Gia Lai; học bổng các tỉnh của nước bạn Lào; học bổng của ĐHĐN và các trường) hoặc tự túc.

Đại diện lãnh đạo VKU báo cáo 

Theo chiều ngược lại, thông qua các thỏa thuận hợp tác với các trường ĐH uy tín, ngày càng có nhiều SV của ĐHĐN có cơ hội tham gia các chương trình ngắn hạn, thực tập và trao đổi, nhờ đó không những được mở mang kiến thức, tầm nhìn mà còn được trau dồi, giao lưu ngôn ngữ, văn hóa.

Bên cạnh kết quả đạt được, Hội nghị tập trung thảo luận, nhận diện những hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, bất cập, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp để kịp thời khắc phục, tháo gỡ.

Hiệu trưởng các trường ĐH thành viên phát biểu 

Các ý kiến của đại biểu đề xuất các giải pháp như cần làm tốt hơn nữa, cải tiến từ khâu quảng bá tuyển sinh, tiếp nhận lưu học sinh (LHS)/thực tập sinh đến công tác đào tạo, quản lý, cấp học bổng, hỗ trợ LHS; phát triển các chương trình đào tạo (CTĐT) mới, nhất là CTĐT bằng tiếng Anh; hỗ trợ các thủ tục đầu vào/đầu ra, công nhận tín chỉ, bằng cấp, đặc biệt tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ SV ĐHĐN có thêm nhiều cơ hội đi học tập, trao đổi ở nước ngoài; mở rộng mạng lưới hợp tác gắn liền với mục tiêu, yêu cầu công tác trao đổi SV quốc tế…

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN ghi nhận các ý kiến phát biểu, đề nghị lãnh đạo các trường, đơn vị, nhất là các ban, phòng hữu quan nghiên cứu tiếp thu, tham mưu phù hợp để lãnh đạo ĐHĐN và các trường kịp thời chỉ đạo.

Đại diện các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc phát biểu 

Giám đốc ĐHĐN thẳng thắn nêu vấn đề, bên cạnh kết quả đạt được, các trường, đơn vị đã thực sự quan tâm thỏa đáng, đúng mức cho công tác trao đổi SV quốc tế hay chưa? Từ quan tâm, nhận thức đến giải pháp, hành động đã cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hay chưa? Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác (MOU/MOA) đã đi liền với bám sát triển khai thực chất, hiệu quả hay chưa?

Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo đối với công tác hợp tác quốc tế (HTQT) nói chung, trao đổi SV quốc tế nói riêng cần “thực chất, hiệu quả”; khuyến khích tăng cường hội nhập và HTQT để huy động thêm các nguồn lực nhưng phải đảm bảo yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước.

Đại diện lãnh đạo các ban hữu quan phát biểu 

Muốn vậy, các cấp lãnh đạo, các trường, đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ về HTQT  cần chú trọng hơn nữa các yêu cầu, định hướng như sau:

(1) Nhận thức đúng đắn, đầy đủ về hoạt động HTQT trên cơ sở đường lối, chủ trương đảm bảo an ninh quốc gia; thường xuyên rà soát, đôn đốc để tránh hạn chế, thiếu sót trong quản lý, điều hành, tác nghiệp;

(2) Cán bộ làm công tác HTQT bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ nhất là ngoại ngữ còn cần phát huy sở trường, tâm huyết, trách nhiệm, cần được quan tâm bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao;

(3) Các quy chế, quy định về HTQT cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành, tạo hành lang pháp lý, tuân thủ quy định của nhà nước, vận dụng đúng đắn, phù hợp vào thực tiễn;

(4) Bên cạnh mục tiêu thu hút ngày càng nhiều SV quốc tế đến ĐHĐN, tuy nhiên thách thức để tạo đột biến về số lượng còn phụ thuộc nhu cầu, mức độ cạnh tranh. Để hài hòa hai chiều đi và đến, cần tập trung hơn nữa các giải pháp tạo cơ hội thuận lợi cho SV ĐHĐN được trao đổi, trải nghiệm, thực tập chuyên môn ở nước ngoài. Đây là hướng phát triển còn dư địa (nhất là đối với khu vực Đông Nam Á có những thuận lợi, chi phí có thể đáo ứng được từ phía phụ huynh và người học) cần được quan tâm, nghiên cứu thị trường giáo dục phù hợp, khả thi.

Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Thành Bắc phát biểu 

Giám đốc ĐHĐN chỉ đạo các trường, đơn vị rà soát về tổ chức bộ máy, nguồn lực theo hướng phân cấp, phân nhiệm hợp lý, tập trung một đầu mối thống nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý trao đổi SV quốc tế.

Ban Khoa học và HTQT nghiên cứu tham mưu phân cấp, ủy quyền; Ban Thanh tra và Pháp chế rà soát các quy định nếu các trường làm tốt hơn, không trái về pháp lý có thể giao để các trường làm; lan tỏa sâu rộng đến các khoa cùng vào cuộc, chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi để các bên cùng thắng (win-win).

Ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHĐN rà soát các CTĐT phù hợp với yêu cầu, xu thế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho SV ĐHĐN được trao đổi, thực tập ở nước ngoài.

Các Ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Kế hoạch - Tài chính ĐHĐN làm việc với các vụ, cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phân bổ chỉ tiêu LHS Lào; làm việc với các địa phương để chủ động tìm thêm nhiều nguồn học bổng cho đào tạo LHS Lào.

Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ phát biểu kết luận Hội nghị 

Đối với việc tăng cường phát triển các CTĐT bằng tiếng Anh, đây là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt khi Bộ Chính trị có Kết luận số 91 thì càng cần có quyết tâm mạnh mẽ để hành động hiệu quả. Cần rà soát tổ chức dạy-học tiếng Anh, tích cực triển khai theo Kết luận tại Hội nghị Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho SV ĐHĐN (cuối năm 2023), có sự tổng kết, đánh giá, báo cáo từ đó tạo chuyển biến hơn nữa.

Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN và các trường, đơn vị rà soát về chuyên môn, đặc biệt là công tác đào tạo LHS Lào cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ LHS Lào học tập tốt, rèn luyện tốt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác giáo dục Việt-Lào.

Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐHĐN cần nỗ lực để xứng tầm một trung tâm giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và trao đổi SV quốc tế; có nhiều hình thức, câu lạc bộ trong môi trường đa văn hóa để thu hút ngày càng nhiều LHS, trở thành điểm sáng, tiên phong trong công tác trao đổi SV quốc tế.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

+