Tổ chức chương trình tập huấn nhân rộng phương pháp đào tạo theo hình thức kết hợp trong khuôn khổ dự án PHER (lần 2)

Ngày 26/12/2024, tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đã diễn ra chương trình tập huấn nhân rộng phương pháp đào tạo theo hình thức kết hợp (Blended Learning) trong khuôn khổ dự án PHER với chủ đề phát triển năng lực số và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy và nghiên cứu.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Tham dự chương trình có TS. Nguyễn Tố Như, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, phụ trách Phân hiệu; TS. Phương Tố Tâm, đại diện Ban Quản lý Dự án PHER; ThS. Ngô Thị Ngọc Hoa, đại diện Ban Quản lý Dự án ODA, Đại học Đà Nẵng cùng đông đảo cán bộ, giảng viên của Phân hiệu.

Báo cáo viên chính của chương trình là TS. Trần Văn Hưng và TS. Đoàn Duy Bình, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, là những giảng viên vừa hoàn thành khóa đào tạo chuyên sâu từ Dự án PHER.

Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Tố Như cho biết sau thành công của chương trình tập huấn nhân rộng lần 1 diễn ra vào tháng 10/2024, các giảng viên của Phân hiệu đã phản hồi tích cực và qua khảo sát cho thấy nhu cầu được tiếp tục học hỏi nên nhà trường đã phối hợp triển khai tập huấn nhân rộng lần 2. Chương trình lần này không chỉ giúp nâng cao năng lực và làm phong phú thêm các phương pháp giảng dạy tại Nhà trường, mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để thúc đẩy công tác đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo tại Phân hiệu.

TS. Nguyễn Tố Như, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, phụ trách Phân hiệu phát biểu

Với 04 phiên chuyên đề, TS. Trần Văn Hưng và TS. Đoàn Duy Bình đã cung cấp nhiều kiến thức sâu rộng và thiết thực về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy đại học. Các chuyên đề không chỉ đi sâu vào việc sử dụng AI để tối ưu hóa nội dung giảng dạy mà còn hướng dẫn cách ứng dụng AI để tổ chức các hoạt động dạy học và học tập hiệu quả hơn, tạo môi trường học tập linh hoạt, tăng cường khả năng tương tác, giao tiếp và nâng cao khả năng tiếp thu cho sinh viên. 

TS. Trần Văn Hưng, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng phát biểu

Các báo cáo viên cũng đã chia sẻ những phương pháp và công cụ AI giúp hỗ trợ nghiên cứu khoa học, từ việc thu thập và phân tích dữ liệu đến việc xây dựng mô hình nghiên cứu, giúp nâng cao chất lượng và tính chính xác của các nghiên cứu trong môi trường học thuật.

Dựa trên những kiến thức đã được chia sẻ, các giảng viên cũng đã thực hành trực tiếp các ứng dụng AI vào việc phát triển học liệu số phục vụ cho giảng dạy. Những kiến thức và kỹ năng này không chỉ giúp các giảng viên nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ trong giảng dạy mà còn tạo tiền đề quan trọng cho việc cải thiện và nâng cao chất lượng giảng dạy tại Phân hiệu trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng AI ngày càng trở nên thiết yếu trong giáo dục.

Hình lưu niệm

+