7 điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học 2025: 2K7 đã nắm rõ chưa?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) có những lưu ý về tuyển sinh ĐH theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, phân tích ưu thế của thí sinh khi tham gia các phương thức xét tuyển khác nhau.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non sẽ được ban hành trong tháng 2/2025. Từ dự thảo công bố và tiếp thu ý kiến góp ý, quy chế chính thức sẽ có những điều chỉnh so với dự thảo công bố lấy ý kiến trước đó.

Thứ nhất, năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung. Riêng xét tuyển thẳng, được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.

Thứ 2, các trường ĐH, CĐ dùng kết quả bậc THPT để xét tuyển, theo yêu cầu trong quy chế, là dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12.

Thứ 3, việc các cơ sở đào tạo có cách thức quy đổi tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển là điều bắt buộc. Điều này dẫn đến việc các trường không cần phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển.

Thứ 4, một điểm mới tiếp theo, các trường được quyền quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển. Do đó, thí sinh không nhất thiết tham dự môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.

Thứ 5, quy chế cũng bỏ yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, quy định yêu cầu số môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm trọng số 50% chỉ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026, tức chưa phải năm nay.

Thứ 6, điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng); đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa.

Thứ 7, ngưỡng điểm đảm bảo khối ngành sức khoẻ và đào tạo giáo viên sẽ giữ như quy chế hiện hành, chưa áp dụng những điều chỉnh này ngay trong năm nay.

---------------------------

Năm 2025, Phân hiệu dự kiến tuyển sinh 13 ngành.  Trong đó có 10 ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu, Đại học Đà Nẵng cấp bằng tốt nghiệp, gồm các ngành: 

1. Giáo dục Tiểu học

2. Giáo dục Mầm non

3. Luật Kinh tế

4. Quản trị Kinh doanh

5. Thương mại điện tử

6. Kế toán 

7. Quản lý Nhà nước 

8. Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành 

9. Công nghệ thông tin 

10. Kỹ thuật Xây dựng 

03 ngành đào tạo phối hợp theo hình thức 2 + 2; 2 + 2,5 (2 năm đầu học tại Kon Tum và 2/2,5 năm sau học tại Đà Nẵng) gồm các ngành:

- Ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô; Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa do trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đào tạo và cấp bằng.

- Ngành Ngôn ngữ Anh do trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đào tạo và cấp bằng.

Để tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh, nhà trường sử dụng 05 phương thức xét tuyển linh hoạt:

-    Xét tuyển thẳng

-    Xét điểm thi THPT 2025

-    Xét học bạ THPT

-    Xét điểm thi THPT 2025 + Điểm năng khiếu

-    Xét điểm học bạ THPT + Điểm năng khiếu

Mọi thông tin chi tiết về tuyển sinh 2025, quý phụ huynh và học sinh có thể theo dõi thêm trên website https://ts.kontum.udn.vn và fanpage: UDCK - Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum hoặc liên hệ qua số hotline 02606 509 559 – 0342 110 119 để được tư vấn chi tiết giúp các bạn tự tin chọn ngành học phù hợp nhất.

+