Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh: Góp phần phát triển cây dược liệu bản địa

Chiều ngày 30/5/2025, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã thực hiện nghiệm thu cấp cơ sở đối với đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Trồng thử nghiệm một số cây dược liệu (sâm Bố chính, Bảy lá một hoa) trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, do TS. Nguyễn Phi Hùng, làm chủ nhiệm. 

Tham gia Hội đồng nghiệm thu, có TS. Nguyễn Tố Như, Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; Ông Đoàn Trọng Đức, Nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Phạm Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông; Ông Trần Văn Cao Sơn, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ông Hồ Công Vũ, Phó trưởng phòng Quản lý, Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Tại buổi nghiệm thu, nhóm nghiên cứu đã báo cáo về quá trình trồng thử nghiệm Sâm Bố Chính và bảy lá một hoa tại một số vùng sinh thái tiêu biểu của tỉnh Kon Tum, qua đó ghi nhận sự thích nghi tốt, khả năng sinh trưởng ổn định, tính dược liệu cao và tiềm năng giá trị kinh tế cao.

Thành viên Hội đồng đánh giá

Sâm Bố Chính là dược liệu được biết đến với nhiều hoạt chất quý như saponin triterpen, flavonoid, coumarin, acid amin, vitamin... Từ lâu rễ sâm Bố Chính đã được sử dụng để bồi bổ cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện giấc ngủ, điều trị suy nhược và các chứng bệnh đường hô hấp. Giá trị thương mại hiện nay dao động từ 550.000 đến 600.000 VNĐ/kg tùy loại.

TS. Nguyễn Phi Hùng báo cáo

Cây bảy lá một hoa còn gọi là thất diệp nhất chi hoa, là một loại thuốc nam quý có chứa glucozit, tính chất saponin như paridin và paristaphin. Loài cây này được sử dụng trong điều trị ung nhọt, viêm phế quản, viêm tĩnh mạch, thậm chí hỗ trợ trị rắn cắn… với giá thị trường dao động từ 3 đến 5 triệu đồng/kg tươi.

Các thành viên hội đồng phát biểu

Mục tiêu của đề tài là đánh giá khả năng phát triển hai loài cây nói trên trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Kon Tum, từ đó bổ sung cơ cấu cây trồng dược liệu, phục vụ chiến lược phát triển ngành dược liệu của tỉnh. Đề tài cũng giúp hoàn thiện tài liệu kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, phù hợp với từng vùng sinh thái, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất dược liệu ứng dụng trong thực tế.

Các thành viên hội đồng phát biểu 

Với sự trao đổi cởi mở, mang tính xây dựng, Hội đồng đã nhất trí đánh giá đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và khả năng ứng dụng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu, một thế mạnh đang được tỉnh Kon Tum đầu tư và kỳ vọng. Các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng giúp cho chủ nhiệm đề tài và các thành viên hoàn thiện trước khi bảo vệ chính thức tại Hội đồng khoa học cấp tỉnh.

Sự thành công của đề tài cũng khẳng định vai trò của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum trong công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ gắn với thực tiễn địa phương mà còn là định hướng phát triển bền vững, kết hợp đào tạo - nghiên cứu -phục vụ cộng đồng trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học.

+