Talkshow “Khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp” và vòng sơ loại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm học 2022-2023

Nằm trong chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên Phân hiệu, ngày 7/1/2023, tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đã diễn ra buổi talkshow “Khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp” và vòng sơ loại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm học 2022-2023.

 

Khách mời đặc biệt cho chương trình là ThS. Nguyễn Trọng Minh, hiện đang là Fouder – CEO Công ty cổ phần công nghệ GRAC; CEO Công ty cổ phần phát triển GRECO; Ủy viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam (VCCI) và là thành viên mạng lưới giảng viên và tư vấn viên Sản xuất sạch hơn của Bộ Công Thương.

Tham gia chương trình, về phía Phân hiệu có ThS. Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc; TS. Nguyễn Minh Thông, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, các Thầy/Cô phụ trách khởi nghiệp cùng sự tham dự của hơn 200 sinh viên đến từ các khóa cùng các nhóm có đề tài, dự án tham dự vòng sơ loại.

ThS. Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu phát biểu

Phát biểu tại chương trình talkshow, ThS. Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu đã chia sẻ về giá trị và tầm quan trọng của việc ươm mầm, khơi nguồn khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo dành cho sinh viên. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường luôn đẩy mạnh các học phần, hoạt động, chương trình liên quan đến khởi nghiệp để khuyến khích, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp cho UDCKers, giúp các bạn phát huy, khẳng định được thế mạnh, năng lực của bản thân. Chương trình talkshow lần này với sự tham gia của khách mời là người đã khởi nghiệp thành công và đang làm chủ nhiều dự án có sức ảnh hưởng đến cộng đồng sẽ giúp các bạn hiểu hơn về những vấn đề liên quan đến định hướng, xây dựng, phát triển dự án khởi nghiệp, từ đó nuôi dưỡng khát vọng, “tiếp lửa” để biến những ước mơ thành hiện thực.

Tại buổi talkshow, ThS. Nguyễn Trọng Minh – một người con của mảnh đất Kon Tum – đã có nhiều chia sẻ chân thành về quá trình lập nghiệp của bản thân. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ThS. Nguyễn Trọng Minh từng có thời gian làm việc ở cơ quan nhà nước, sau đó phát triển các dự án khởi nghiệp cùng với những người bạn thời đại học. Tuy nhiên, anh cũng đã phải trải qua nhiều lần thất bại, bỏ cuộc trước khi thành công với dự án Grac (gom rác) - Phần mềm số hóa mạng lưới quản lý rác thải và thanh toán online, một ứng dụng với nhiều tiện ích giúp người dân xử lý rác theo nhiều cách khác nhau. Năm 2021, dự án này đã đạt được đạt Giải nhất cuộc thi Greentech - sáng kiến, giải pháp, mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Mội trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức.

ThS. Nguyễn Trọng Minh chia sẻ

ThS. Nguyễn Trọng Minh hiện cũng là giám đốc Công ty cổ phần phát triển GRECO là đơn vị cung cấp dịch vụ kiến tạo "đô thị không rác thải" tại Việt Nam như đào tạo, tư vấn các vấn đề về môi trường, thu gom rác, cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Từ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, ThS. Nguyễn Trọng Minh đã đúc kết ra những kinh nghiệm quý báu cho quá trình khởi nghiệp như đừng chỉ chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực mình yêu thích mà còn phải có thế mạnh và am hiểu về lĩnh vực đó tránh những sai sót không đáng có; Nếu là dự án hợp tác thì cần tìm kiếm những người bạn đồng hành cùng chung lý tưởng và mỗi người phải có những thế mạnh riêng để tạo nên những “mảnh ghép” lý tưởng thúc đẩy dự án phát triển hoàn thiện; Điều quan trọng cần có khi khởi nghiệp là những thỏa thuận rõ ràng về góp vốn và thoái vốn để tránh dự án bị trì hoãn, tạm dừng.

Đông đảo sinh viên tham gia buổi talkshow

Bên cạnh đó, diễn giả Nguyễn Trọng Minh còn có những chia sẻ thiết thực về kiến thức kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, việc lên ý tưởng, thu hút nguồn vốn đầu tư, tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm và nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới phương pháp tư duy sáng tạo trong khởi nghiệp; mạnh dạn tìm tòi những ý tưởng mới lạ, độc đáo, phương pháp kinh doanh phù hợp với từng địa phương, từng điều kiện về nguồn vốn, thế mạnh của cá nhân, tập thể trước khi bắt đầu khởi nghiệp. 

Đồng thời, là chủ của một doanh nghiệp nên ThS. Nguyễn Trọng Minh cũng chia sẻ nhiều thông tin quan trọng liên quan đến yêu cầu của doanh nghiệp đối với sinh viên mới ra trường để các bạn có những định hướng phát triển bản thân ngay từ bây giờ như ngoài năng lực cá nhân, sự yêu thích, đam mê nghề nghiệp, sinh viên cần phải có tinh thần và thái độ phù hợp với vị trí việc làm và xã hội…

Tại chương trình, nhiều bạn sinh viên đã có những thắc mắc liên quan đến cách tháo gỡ các khó khăn về tài chính, hạn chế các rủi ro trong khởi nghiệp, xác định khách hàng mục tiêu, xây dựng các chiến lược marketing… cũng được diễn giả giải đáp tỉ mỉ và chi tiết. Đặc biệt, nhiều sinh viên đến từ các nhóm dự án tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cũng đặt ra các câu hỏi liên quan đến quy trình khởi nghiệp, phát triển và điều hành dự án cũng được khách mời chia sẻ rất tận tình, cởi mở.

Các bạn sinh viên trao đổi, đặt câu hỏi

Chiều cùng ngày, ThS. Nguyễn Trọng Minh cũng đã tham gia vào hội đồng chấm thi vòng sơ loại cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm học 2022-2023” cùng các giảng viên của Phân hiệu. Cuộc thi năm nay thu hút 31 dự án tham gia thuộc nhiều lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, công nghệ…: Nhà hàng dành cho chó mèo; Kinh doanh đồ dùng xanh thân thiện với môi trường; Kinh doanh sản phẩm handmade từ len; Du lịch làng nghề; Chế biến sản phẩm từ ớt; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già, người bệnh và trẻ em; App Order Đồ Ăn Food & Healthy; Sản xuất kinh doanh thực phẩm chay từ tảo và nấm; Văn phòng luật sư; Sản xuất các sản phẩm từ hạt macca; Tư vấn pháp lý lĩnh vực đất đai; sản phẩm đồ chơi thông minh cho trẻ từ 1-10 tuổi; Kinh doanh các khóa học online về luật; Sản xuất sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc từ thiên nhiên….

Hội đồng chấm thi vòng sơ loại cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm học 2022-2023”

Tại vòng sơ khảo, các thành viên của hội đồng đã lắng nghe các nhóm dự án báo cáo tóm tắt về: Ý tưởng; Chiến lược phát triển; Phương án makerting; Phân bổ vốn; Lợi nhuận… và trả lời các câu hỏi, thắc mắc từ thành viên hội đồng. Sau một buổi chiều làm việc công tâm, hội đồng đã thông qua 32 đề tài ở vòng sơ loại. BTC sẽ tổng kết điểm của các thành viên hội đồng dựa trên các tiêu chí như: Khả năng trình bày ý tưởng; Tính sáng tạo của sản phẩm/dịch vụ; Phân tích được các cơ hội kinh doanh, kế hoạch marketing, sản xuất, cung cấp dịch vụ, phát triển nhân sự, tài chính… và chọn các nhóm bước vào vòng chung kết.

Có thể thấy, chương trình talkshow và vòng sơ loại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm học 2022 – 2023 đã diễn ra khá thành công với rất nhiều kiến thức phong phú, bổ ích mà diễn giả đã mang tới. Hy vọng rằng, qua những giá trị nhận được từ hoạt động lần này, UDCKers sẽ quan tâm và có nhiều ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và mang tính ứng dụng cao hơn và các đội có dự án được chọn vào vòng trong sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dự án và gặt hái được nhiều thành tích trên những sân chơi lớn ở các cấp cao hơn. 

+