UDCK tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Thương mại và Phân phối” lần thứ 4 năm 2023 - CODI 2023

Với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ nhiều nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề thương mại và phân phối trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, sáng ngày 24/3/2023, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã chủ trì và phối hợp với Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Quy Nhơn và Đại học Negeri Surabaya (Indonesia) tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế thường niên “Thương mại và Phân phối” lần thứ 4.

Tham dự hội thảo, về phía các đơn vị đồng tổ chức có TS. Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum; PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Thương Mại; PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Ngoại Thương; PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Quy Nhơn.

Về phía lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh Kon Tum có ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật; Ông Nguyễn Thanh Hùng, PGĐ Sở Công thương; Ông Đoàn Trọng Đức, PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Lê Công Dinh, GĐ TT Nghiên cứu, ứng dụng và Dịch vụ KH&CN; Bà Lê Thị Tiến, GĐ TT Thông tin Xúc tiến Du lịch; Ông Nguyễn Đình Bắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Đại biểu tham dự hội thảo

Chương trình còn có sự hiện diện của GS. TS Andreas Stoffers – Giám đốc quốc gia, Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam.

Hội thảo còn tiếp đón đại diện của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hội doanh nghiệp trẻ, các đơn vị tài trợ cùng sự tham gia của hơn 100 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong và ngoài nước.

Đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Phi Hùng Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đã nhấn mạnh rằng, thương mại và phân phối là trung gian quan trọng kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong lưu thông và tiêu thụ hàng hóa/dịch vụ, thương mại và phân phối còn là công cụ kích thích trở lại sự phát triển hoạt động sản xuất của một quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thương mại và phân phối còn góp phần mở rộng quan hệ thương mại xuyên biên giới, tăng cường giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia. Có thể thấy, hoạt động thương mại và phân phối chính là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nền kinh tế.

TS. Nguyễn Phi Hùng Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum phát biểu

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 đã thay đổi mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng của người dân, dẫn đến sự chuyển biến quyết liệt trong cách thức vận hành hệ thống thương mại và phân phối. Điều này, đã đặt nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào tình thế khó khăn, yêu cầu các doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, đồng thời ứng phó hiệu quả trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.  

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Thương Mại cho biết trong những năm gần đây tác động kép của cuộc cách mạng 4.0 và đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thương mại và phân phối, làm cho tất cả các mắt xích trong chuỗi giá trị phải gồng mình gánh đỡ. Bên cạnh những tác động tiêu cực, những cơ hội, những xu hướng mới đang dần xuất hiện. Tất cả những điều đó tất yếu đòi hỏi nhà nước và các bên liên quan đ cần chủ động phản ứng để thương mại và phân phối thực hiện tốt sứ mạng nòng cốt cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hội thảo Codi – 2023 sẽ là diễn đàn để tư vấn cho lãnh đạo và chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp có những tham khảo nhất định đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH nói chung và phát triển thương mại, thị trường phân phối nói riêng.

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Thương Mại phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Ngoại Thương cho biết đây là lần đầu tiên trường ĐH Ngoại Thương tham gia là đơn vị đồng tổ chức hội thảo Codi cũng là lần đầu tiên đến với tỉnh Kon Tum và có thể nhận thấy địa phương vẫn còn rất nhiều tiềm năng, giá trị tiềm ẩn, nhiều hàng hóa, sản phẩm địa phương có chất lượng rất tốt đang được sản xuất. Vấn đề đặt ra là làm sao để đưa các sản phẩm có giá trị của Kon Tum và khu vực Tây Nguyên đến với các trung tâm kinh tế và đi ra thị trường thế giới cũng như cung cấp đầu vào cho những hoạt động sản xuất nông nghiệp và hoạt động sản xuất khác của địa phương. Đó chính là câu chuyện của thương mại và phân phối. Do đó, tham gia hội thảo lần này, trường Đại học Ngoại Thương cũng có rất nhiều báo cáo, tham luận để cùng với các nhà khoa học đóng góp những ý tưởng, sáng kiến, đề xuất góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực thương mại và phân phối.

PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Ngoại Thương phát biểu

Hội thảo thường niên về thương mại và phân phối được tổ chức nhằm mục đích nhằm làm rõ cơ sở khoa học về hoạt động thương mại và phân phối trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0; mô tả khái quát thực trạng hoạt động thương mại và phân phối của Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành hàng và doanh nghiệp dưới sự tác động của đại dịch Covid-19; từ đó dự báo triển vọng thị trường và đề xuất chính sách, giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển thương mại và phân phối cho các lĩnh vực, ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo đã nhận được 167 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước. Hội thảo được tổ chức với Phiên toàn thể và 02 Phiên chuyên đề (1 phiên tiếng Anh – 1 phiên tiếng Việt) với 12 bài báo cáo được chọn làm chủ đề thảo luận. 

Tại phiên Toàn thể, GS. TS Andreas Stoffers đã bài trình bày báo cáo về vai trò của Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đối với sự khởi động lại kinh tế của Việt Nam hậu Covid-19.

GS. TS Andreas Stoffers – Giám đốc quốc gia, Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam báo cáo

Tại phiên chuyên đề, các bài báo cáo của các diễn giả cũng tập trung vào các vấn đề liên quan đến thương mại và phân phối như: Toàn cảnh e-logistics ở Việt Nam; Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua hàng trên sàn thương mại điện tử của thế hệ Z tại Việt Nam; Thúc đẩy thương mại giữa EU và Việt Nam; Thực trạng phát triển thương mại điện tử của Hà Nội và những vấn đề đặt ra hiện nay; Nghiên cứu khám phá về các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số của các siêu thị bán lẻ tại Việt nam theo mô hình công nghệ - tổ chức – môi trường (TOE); Thúc đẩy thương mại các sản phẩm từ dược liệu: nghiên cứu trường hợp HTX thảo dược cộng đồng A &Y Ngọc Yêu, Tumorong, Quy định về bản tin điện tử thương mại không mong đợi theo hiệp định rcep và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam… 

Đại diện các diễn giả viên báo cáo các chủ đề 

Ngoài các bài báo cáo, hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp, ý tưởng của các diễn giả, nhà khoa học liên quan đến sự cần thiết, vai trò quan trọng của việc phải thực hiện các bài nghiên cứu khoa học có chất lượng liên quan đến lĩnh vực thương mại và phân phối nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời kỳ hội nhập và 4.0 hiện nay. 

Đại diện các diễn giả viên báo cáo các chủ đề 

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Quy Nhơn đã gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham dự hội thảo và làm việc rất nghiêm túc, tích cực, nội dung báo cáo tập trung vào các chủ đề liên quan đến hội thảo như:

- Thực trạng và xu hướng phát triển của thương mại và phân phối tại Việt Nam

- Xu hướng mới trong hành vi người tiêu dùng

- Các chiến lược và giải pháp nhằm phát triển hệ thống thương mại và phân phối

- Tự do hóa thương mại: Thực trạng và triển vọng

- Những thể chế, chính sách, luật pháp về thương mại và phân phối.

- Các chủ đề liên quan khác

PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng, trường Đại học Quy Nhơn phát biểu

Những báo cáo, ý kiến được trình bày tại hội thảo là vô cùng quý giá và thực tiễn cho quá trình nghiên cứu tìm ra con đường, giải pháp phát triển thương mại và phân phối, phát triển tiềm năng mỗi địa phương và quốc gia. Thông qua hội thảo lần này, BTC hy vọng rằng các đại biểu sẽ tìm thấy những ý tưởng hay, kiến thức bổ ích, những bài học kinh nghiệm về những lĩnh vực, vấn đề quan tâm chung trên con đường nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới nhằm phát triển Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.

Đại biểu chụp hình lưu niệm

Sự thành công của hội thảo lần này một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, thực tiễn của hội thảo thường niên thương mại và phân phối, đồng thời cũng là cầu nối cho sự giao lưu, trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học, thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị đồng tổ chức, đối tác trong và ngoài nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Đại biểu chụp hình lưu niệm

Sau 4 lần tổ chức thành công, hội thảo lần thứ 5 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 03/2024 do trường Đại học Quy Nhơn chủ trì. BTC cũng đã gửi lời mời tham gia viết các bài báo cáo đến các đối tác quốc tế, các trường đại học, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Đại biểu chụp hình lưu niệm

 

+