UDCKers khởi nghiệp với workshop làm đồ handmade, hướng đến xây dựng Happy Home - Ngôi nhà hạnh phúc

Chiều cuối tuần, trong góc nhỏ tại quán café Gác Măng Rê (TP. Kon Tum), một nhóm bạn sinh viên đang bận bịu chỉ dẫn cho các bạn nhỏ và những bạn có đam mê làm đồ handmade thực hiện các động tác móc len để làm móc chìa khóa, đồ trang trí.

“Dự án mới bắt đầu khởi động nhưng có nhiều bạn đăng ký tham dự và rất nhiệt tình với hoạt động này, phản hồi cũng tích cực, mong muốn có nhiều hoạt động hơn, đây là động lực rất lớn để nhóm em tiếp tục làm tốt hơn trong những workshop sắp tới”, bạn Nguyễn Ngọc Thu, sinh viên lớp K21KT, Ngành Kế toán chủ dự án workshop hào hứng chia sẻ. 

Được biết, chuỗi workshop này là một trong những hoạt động chính của dự án khởi nghiệp mang tên “Happy Home - Ngôi nhà hạnh phúc” do Ngọc Thu và 4 bạn sinh viên khác của Phân hiệu thực hiện. Dự án đã vượt qua vòng sơ khảo và là 1 trong 62 đề tại lọt vào vòng đào tạo cơ bản của cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên do Đoàn thanh niên – Hội sinh viên Đại học Đà Nẵng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Đà Nẵng tổ chức.

 Ngọc Thu (áo trắng) và các thành viên của nhóm thực hiện dự án “Happy Home - Ngôi nhà hạnh phúc”

Ý tưởng bắt nguồn từ sự đồng cảm

Ấn tượng đầu tiên khi gặp gỡ cô sinh viên năm 3 Ngọc Thu là dáng người cao, khuôn mặt rạng rỡ nụ cười rất tươi sáng cùng lối trò chuyện khéo léo, tự tin, mang đến nguồn năng lượng rất tích cực. Tuy nhiên ít ai biết, để trở thành một người năng động và đầy tự tin như hiện tại, Thu đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn khi bản thân gặp những trở ngại về mặt tâm lý và cảm xúc. 

Thay vì thu mình lại, Thu chọn cách đọc sách, hòa mình với âm nhạc, đàn, hát, làm đồ handmade như móc lên, tạo hình từ đất sét, làm bánh… để giải phóng cảm xúc tiêu cực cũng như tạo giá trị của bản thân. Do đó, trong mắt bạn bè, thầy cô thi Ngọc Thu là chính là cô nàng đa-zi-năng và ở bất cứ thế mạnh nào, cô nàng cũng đều thực hiện rất chăm chút, và có trách nhiệm

Từ chính những mối quan hệ bạn bè thường ngày cũng như ở môi trường học tập Đại học, Thu nhận ra cũng có rất nhiều bạn trẻ chịu áp lực từ nhiều phía, nhiều vấn đề trong cuộc sống dẫn đến ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc nhưng lại không biết giải tỏa với ai hoặc chính các bạn không dám mở lòng vì sợ bị dị nghị, cười chê. 

Là người từng trải qua những cảm xúc tương tự, Thu rất muốn làm một điều gì đó để có thể giúp “chữa lành”. Từ đó ý tưởng khởi nghiệp “Happy Home - Ngôi nhà hạnh phúc” ra đời, với mong muốn có thể kiến tạo ra một môi trường lành mạnh, hữu ích đối với những người gặp các vấn đề về tâm lý và đối tượng chính trong đề tài là bệnh nhân trầm cảm.

Trước khi bắt tay vào viết dự án, Thu đã kết nối và nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn từ các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực tâm lý học, tâm lý học tội phạm, tâm lý học hành vi, chuyên gia trong thiết kế, bố trí phòng hỗ trợ tâm lý, tìm kiếm các đầu sách giúp gắn kết tâm hồn… Bên cạnh đó, Thu cũng nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ rất nhiệt tình từ các thầy cô trong Khoa Kinh tế và cả Khoa Luật – Sư phạm, Khoa Công nghệ để đề tài có thể hoàn thiện chỉnh chu và mang tính thực tiễn cao nhất.

Không ngoa khi ví “Happy Home - Ngôi nhà hạnh phúc” như một nơi để chữa lành vì sẽ được tư vấn, điều trị tâm lý, nghỉ dưỡng, tham gia workshop làm đồ handmade, đọc những cuốn sách hàn gắn tâm hồn, tham gia các hoạt động cộng đồng…

Đặt nền móng từ những workshop nhỏ

Để dự án bước ra đời thực và thực hiện được sứ mệnh như Thu và cả nhóm mong muốn còn cần đến một quá trình rất dài nhưng có những thứ có thể thực hiện ngay từ ngày hôm nay, chẳng hạn như cùng thỏa sức sáng tạo với những workshop làm đồ handmade.

“Chúng em muốn hiện thực hóa từ những điều nhỏ nhất, điều mà bản thân có thể làm được trong khả năng của mình để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cho những người xung quanh. Khi làm tốt và duy trì được điều này, chúng em sẽ có động lực để đạt được những mục tiêu lớn hơn, cuối cùng là xây dựng Happy Home - Ngôi nhà hạnh phúc”, Ngọc Thu tâm sự.

Chuỗi workshop được bắt đầu với chủ đề crochet (móc len). Để có thể dẫn dắt tốt nhất cho các bạn tham gia, Thu đã dành một khoảng thời gian hướng dẫn cho các thành viên trong nhóm cách phân loại len, cách móc cơ bản cũng như tạo hình đơn giản. Ban đầu chưa có nguồn vốn nên Thu tự bỏ tiền túi để mua dụng cụ móc, len. Nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bạn yêu thích móc len và làm đồ handmade, sau buổi đầu tiên cả nhóm cũng thu về được một số vốn nhất định. 

Thu cũng đã chủ động kết nối với các quán café nổi tiếng ở Kon Tum mang đến không gian thực hiện workshop thoải mái, đầy cảm hứng, thúc đẩy sự sáng tạo cũng như và dễ thu hút mọi người.  

Buổi workshop tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 với chủ đề Air Clay (đất sét tự khô), hứa hẹn mang đến không gian sáng tạo không giới hạn và đầy chất lượng. 

Thu cho biết, cô và các thành viên trong nhóm cũng đang trong quá trình thực hiện, xây dựng nơi đọc sách chữa lành và hỗ trợ tâm lý ban đầu cho những bạn có nhu cầu.

Hy vọng rằng với những tâm huyết và nỗ lực của bản thân, Thu và các bạn sẽ biến những giấc mơ của ngày hôm nay thành hiện thực trong thời gian tới.

+